VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

Trần Sơn & Cộng sự

Tran Son & Associates Law Firm

Hotline: 84-24-37764068

Trao đổi - Vấn đề chuyển nhượng cổ phần của Cổ đông nước ngoài là Nhà đầu tư gián tiếp

25/08/2022 - 01:32 PM
535 lượt xem
Cỡ chữ
TRAO ĐỔI
Cần có quy định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển nhượng cổ phần của Cổ đông nước ngoài là Nhà đầu tư gián tiếp (tổ chức không cư trú) nắm giữ CP trong Công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết tại Việt Nam


Hiện nay, hệ thống pháp luật về thuế của nước ta còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau. Cùng với đó, vấn đề chuyển nhượng cổ phần của Cổ đông nước ngoài là Nhà đầu tư gián tiếp trong Công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần của Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong việc áp dụng thực tiễn đối với các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, thậm chí còn dẫn đến việc Cơ quan Thuế có những hiểu biết, áp dụng pháp luật về thuế không nhất quán.

Thông qua thực tiễn hành nghề Luật sư trong tư vấn chuyển nhượng cổ phần có yếu tố nước ngoài, VPLS Trần Sơn & Cộng sự đã tư vấn thành công nhiều vụ việc. Tuy nhiên, qua thực tiễn cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cho các cá nhân/tổ chức liên quan, một số vấn đề pháp lý sau đây cần được chú trọng khi thực hiện tư vấn “Chuyển nhượng cổ phần của Cổ đông là Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư gián tiếp”.

Cần hiểu “Cổ đông nước ngoài là Nhà đầu tư gián tiếp (tổ chức không cư trú tại Việt Nam) nắm giữ CP của công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết tại VN thực hiện chuyển nhượng cổ phần” theo quy định của pháp luật được hiểu như thế nào?
  • Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 14 Thông tư 06/2019/TT-NHNN thì Hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm hình thức: Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
  • Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 14 Chương IV Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định: “c) Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (gọi chung là nhà thầu nước ngoài)…..”.
  • Như vậy, tại một số văn bản pháp luật về thuế, điển hình như Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 218/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp xác định Nhà đầu tư nước ngoài nêu trên là Nhà thầu nước ngoài, đầu tư gián tiếp tại Công ty cổ phẩn đại chúng chưa niêm yết tại Việt Nam.
Vậy trong trường hợp nêu trên thì thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần này nên được xem là “ Thuế Nhà thầu” hay “Thuế TNDN từ CNCP”?

Theo quan điểm và kinh nghiệm tư vấn nhiều vụ việc tương tự, VPLS Trần Sơn & Cộng sự xác định rằng đây là THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TỪ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI KHÔNG CÓ TRỤ SỞ TẠI VIỆT NAM. Cụ thể:
  • Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“ Điều 2. Người nộp thuế

2. Tổ chức nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Các tổ chức này nếu có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Điều 14 Chương IV Thông tư này”.
  • Tại khoản 1, điểm a, c khoản 2 Điều 14 Chương IV Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“ Điều 14. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

  1. Phạm vi áp dụng:
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ   chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp). Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.
  1. Căn cứ tính thuế:

………………
b) Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập kháckê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Theo điểm o khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế quy định:
“4. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:
............................
o) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài”.
  • Theo Mục 7.3 Phụ Lục I Danh Mục Hồ Sơ Khai Thuế Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định:
7.3. Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài Điểm o khoản 4 Điều 8
05/TNDN Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn)  
  Bản sao hợp đồng chuyển nhượng, Bản sao chứng nhận vốn góp, chứng từ gốc của các khoản chi phí (nếu có)  
 
  • Và tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“ Điều 11. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi.

Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.”

Như vậy, trường hợp này được xác định là THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TỪ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CỦA NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI và thuế suất áp dụng là 20%.

Về vấn đề kê khai, nộp thuế trong trường hợp này?
  • Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Chương IV Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:
“c) Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.”
  • Như vậy, Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Có cần phải xin cấp MST cho tổ chức nước ngoài được kê khai, khấu trừ và nộp thay thuế trong trường hợp nêu trên không?
  • Về vấn đề này, pháp luật về thuế vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trên thực tiễn đối với cả Cơ quan thuế và các tổ chức/cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tư vấn pháp luật, VPLS Trần Sơn & Cộng sự cho rằng: Pháp luật về thuế đã quy định “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp” thì chỉ cần Mã số thuế của Tổ chức/cá nhân nộp thay. Ngoài ra, theo các mục kê khai thuế theo Mẫu tờ khai 05 - Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn) của Thông tư số 20/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 thì không có mục Mã số thuế của Bên chuyển nhượng.
Từ những phân tích trên, có lẽ đã phần nào thấy được hệ thống pháp luật về thuế còn nhiều bất cập, chồng chéo của chúng ta. Hi vọng rằng trong tương lai, sẽ có những văn bản, những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các vấn đề thuế suất; vấn đề kê khai, nộp thuế; Trường hợp nào cần xin cấp MST khi Tổ chức/cá nhân thực hiện kê khai nộp thuế thay tổ chức nước ngoài đối với hoạt động chuyển nhượng vốn có yếu tố nước ngoài như trên. Từ đó góp phần đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế, tránh gây hoang mang cho người dân khi thực thi pháp luật về thuế.
 
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN SƠN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: Phòng 202, Nhà C1c, Ngõ 36 Láng hạ, Đống Đa, Hà Nội
Email: son.tran@transonlawyer.com
Website: https://TransonLegal.com
Về trang trước Gửi email In trang