CHÍNH SÁCH VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01/2023
Kính thưa quý Khách hàng,
Trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua các luật quan trọng sau đây và sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 1/2023, bao gồm gồm:
1. Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và một số điểm nổi bật
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Tác giả được quy định là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm
Từ ngày 01/01/2023 đối tượng là đồng tác giả sẽ được sửa đổi thành người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm mới là tác giả cụ thể tại Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
So với Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định không còn quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm; không còn quy định rõ tác phẩm là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Đối với trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.
Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
Điểm mới trong quyền nhân thân của tác giả
Tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022) quy định quyền nhân thân của tác giả như sau:
- Đặt tên cho tác phẩm.
Ngoài ra, tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm.
- Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc;
Đồng thời, không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Luật Điện ảnh 2022 được ban hành
Luật Điện ảnh 2022 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh 2006. Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Sửa đổi khái niệm “Phim” tại trong điện ảnh
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh 2022 giải thích “Phim” là tác phẩm điện ảnh, có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra.
Ngoài ra, có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem. Bao gồm các loại hình:
- Phim truyện.
- Phim tài liệu.
- Phim khoa học.
- Phim hoạt hình.
- Phim kết hợp nhiều loại hình.
Phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim" đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
Quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim
Tại Điều 21 Luật Điện ảnh 2022 đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.
Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiến nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.
Về phân loại phim Điều 32 Luật Điện ảnh 2022, phim Việt Nam chiếu tại rạp đã thực hiện phân loại theo độ tuổi từ năm 2017. Tuy nhiên, quy định này chi mới áp dụng đối với phim chiếu tại rạp và chỉ được quy định tại Thông tư. Luật Điện ảnh 2022 quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim áp dụng chung cho các phim chiếu trên mọi hình thức phổ biến.
3. Thay đổi nổi bật của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 với 07 chương, 157 Điều.
Từ ngày 01/01/2028 doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản
Căn cứ khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện đầu tư kinh doanh bất động sản.
Trừ các trường hợp sau đây được phép đầu tư liên quan đến bất động sản:
- Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
- Bên cạnh đó còn có mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.
- Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.
- Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.
Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm
Về hoạt động nghiệp vụ, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm tại điểm d khoản 1 Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
Nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo với Bộ Tài chính trước khi có thay đổi.
Tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% vốn điều lệ
Nhằm thực hiện chủ động hội nhập quốc tế và các cam kết mà Việt Nam đã thỏa thuận Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp được quy định tại Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Bên cạnh đó, để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự 2015, dễ áp dụng trong thực tế, hợp đồng bảo hiểm được sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 còn sửa đổi một số quy định nhằm:
- Phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm.
- Quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm.
- Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.
4. Những quy định mới tại Luật Cảnh sát cơ động 2022
Luật Cảnh sát cơ động 2022 được thông qua ngày 14/6/2022 gồm 5 Chương 33 Điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
CSCĐ được sử dụng vũ khí và nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập
Theo đó, tại Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định CSCĐ được quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm:
Trong khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Đồng thời khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện hành, chỉ quy định CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật mà không quy định cụ thể Luật nào áp dụng.
Quyền điều động CSCĐ để thực hiện nhiệm vụ
Cụ thể tại Điều 20 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định các cơ quan, cá nhân sau đây được quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ:
(1) Bộ trưởng Bộ Công an điều động CSCĐ trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ.
(2) Tư lệnh Cảnh sát cơ động điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt.
- Theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể.
- Thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
(3) Giám đốc Công an cấp tỉnh điều động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt;
- Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
(4) Chỉ huy đơn vị CSCĐ điều động, sử dụng đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều động đơn vị thuộc quyền tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp.
Lưu ý: Việc điều động CSCĐ trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm được thực hiện theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.